Nhật ký du học Đức - Phần 2: Bài học giá trị từ Người-thầy-cuộc-sống

Augsburg, 1.8.2012

5h30´ tôi đã có mặt ở Bahnhof (bến tàu) để kịp đón chuyến tàu sớm đến sân bay. Rất tiếc là hôm nay tôi không ra sân bay với một chiếc vali (nếu thế thì có lẽ tôi sẽ bay ngay về với Mẹ), mà là với một chiếc túi xách công sở, áo sơ mi và quần âu. Oh je, hôm nay là ngày thực tập đầu tiên của tôi ở sân bay Munich. Một cuộc hành trình mới lại bắt đầu, đầy thử thách nhưng cũng không kém phần thú vị...

Sau gần 2 tiếng ngồi tàu, cuối cùng tôi cũng có mặt ở khu nhà hành chính của sân bay. Đón tôi ở quầy tiếp tân là Chris, trưởng tòa soạn, người đã phỏng vấn tôi và cũng sẽ là người phụ trách tôi trong 6 tháng tới đây. Đến lúc này thì tôi thực sự thấy rất hồi hộp.

Trước tiên, tôi được dẫn đến văn phòng của mình. (Tôi không hề nghĩ rằng sẽ có một văn phòng riêng cho thực tập sinh). Sau đó, tôi được đưa đi chào hỏi và làm quen với các đồng nghiệp trong bộ phận. Tất cả mọi người đều rất thân thiện, tạo cho tôi cảm giác mình được chào đón ở đây. Mặc dù vậy, tôi cũng có chút gì đó lo lắng và không được tự tin cho lắm vì tôi là người châu Á duy nhất ở đó. Nhiều người hỏi tôi có phải sinh ra và lớn lên ở Đức hay không. Oh, giá mà được như vậy thì cũng đỡ. Đằng này, tôi lại là du học sinh mới sang Đức chưa đầy 3 năm, không một người thân thích. Nói thực là, mặc dù ở trường tôi học không đến nỗi tệ, thế nhưng khả năng giao tiếp của tôi chưa được tốt lắm, vì từ trước đến giờ tôi ít va chạm. Ngôn ngữ dùng ở trường Đại học là ngôn ngữ khoa học, khác hẳn ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày, đặc biệt là giao tiếp trong môi trường công sở. Đã vậy, đồng nghiệp của tôi hầu như đều nói tiếng địa phương của bang Bayern (gọi là Bayerisch). Vậy nên nhiều khi tôi cố gắng lắm mà không thể hiểu được hết, chỉ biết cười trừ.

Bàn làm việc của tôi

Nơi tôi làm là bộ phận báo chí truyền thông và quan hệ công chúng, nơi đòi hỏi một khả năng giao tiếp rất khéo léo. Cái đó thì tôi nghĩ rằng, kể cả có cho tôi sử dụng tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ đi chăng nữa thì tôi cũng chưa chắc làm được, chứ đừng nói đến là bằng tiếng Đức, một thứ tiếng mà đối với người nước ngoài để diễn đạt trôi chảy đủ ý đã là khó rồi, chứ chưa nói đến độ diplomatisch (khéo léo theo kiểu ngoại giao). Bởi vậy mà tôi đã cảm thấy rất căng thẳng.

Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là viết một bài báo về chương trình hợp tác du lịch giữa sân bay Munich và các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đến lúc này thì việc hạn chế về ngôn ngữ đã gây khó khăn thực sự cho tôi. Vốn từ của tôi về ngành hàng không và du lịch hầu như là bằng 0. Nếu như là ở trường, bạn có thể đến gặp giáo sư hay giảng viên để yêu cầu giúp đỡ khi gặp khó khăn. Còn ở đây, mỗi người đều có công việc riêng của mình, rất bận rộn. Một khi công việc đã được giao, thì mong đợi bạn sẽ hoàn thành nó một cách độc lập là điều tất nhiên. Tôi đã không bỏ cuộc. Tôi tự mày mò tìm đọc các bài báo, các trang web liên quan đến lĩnh vực mình cần để có thể mở rộng vốn từ chuyên ngành, cũng như học cách diễn đạt theo phong cách báo chí. Tất nhiên là bài viết của tôi không thể tốt ngay từ lần đầu. Tuy nhiên, tôi đã nhận được những góp ý rất nhẹ nhàng và nhiệt tình từ sếp của mình để tôi có thể làm tốt hơn. Và thực sự, tôi đã rất vui mừng và có một chút tự hào khi thấy tên mình được in trong bài báo đầu tiên. ^_^

Một trong những thành quả 

Còn rất nhiều điều mới mẻ nữa mà tôi cần phải học. Tôi luôn cố gắng tận dụng mọi cơ hội để quan sát các đồng nghiệp của mình, quan sát cách họ giao tiếp với nhau, giao tiếp với đối tác, vô cùng chuyên nghiệp và khéo léo. Bây giờ tôi mới hiểu thế nào là „sức mạnh của lời nói“. Chỉ một lời nói sơ ý thôi là có thể hủy hoại danh tiếng cũng như công sức bao nhiêu năm xây dựng. Có lẽ vậy nên khu vực báo chí tôi làm được đặt đối diện văn phòng của Tổng giám đốc điều hành sân bay.

Nhiều khi tôi cảm thấy áp lực. Áp lực không phải từ bên ngoài mang tới mà là do chính tôi tự tạo ra, vì tôi muốn mình phải làm tốt và tốt hơn nữa. Những lúc như vậy tôi thường tìm tới Mẹ. Mẹ là người đưa cho tôi những lời khuyên, cũng như dạy tôi cách nhìn nhận, đánh giá một con người, một sự việc. Dần dần, tôi trưởng thành và suy nghĩ chín chắn hơn so với tuổi và ngoại hình của mình. Ở Đức có câu "Ein Gramm Praxis ist mehr wert als eine Tonne Theorie" (1 gram Thực tế thì giá trị hơn nhiều 1 tấn Lý thuyết). Bạn biết đấy, có những điều mà trường học không thể nào dạy ta được, mà chỉ có cách chính bản thân mình phải bước ra ngoài và trải nghiệm. Cuộc sống còn vô vàn những điều cần phải học hỏi và những bài học từ Người-thầy-cuộc-sống thường không dễ dàng gì, nhưng một khi đã vượt qua được thì giá trị của bạn qua đó sẽ được nâng lên.

Tôi cảm thấy may mắn khi được làm việc trong một môi trường cởi mở và thân thiện. Mọi người, kể cả lãnh đạo, đối xử với tôi như một nhân viên tiềm năng trong tương lai, chứ không phải như một người học việc. Tôi không nhận thấy bất kì sự phân biệt giữa nhân viên và sếp. Mọi người đều làm việc độc lập và có quyền đóng góp ý kiến. Ngay cả vị lãnh đạo lớn thứ 2 của công ty, người mà chỉ cần đi cùng với ông bạn có thể tự do qua mọi cửa kiểm soát an ninh của sân bay, cũng rất giản dị và thường ngồi chung bàn ăn trưa mới mọi nhân viên, trong đó có cả tôi. Bước ra khỏi cửa công ty, tôi và đồng nghiệp, thậm chí cả sếp của mình, lại trở thành bạn bè. Chúng tôi tụ tập ăn uống và đi du lịch.

Điều thú vị nhất đối với tôi là hàng ngày được di dạo bằng ô tô trong khu vực đường băng sân bay, được ngắm nhìn những chiếc máy bay đầy kiêu hãnh từ phạm vi gần nhất, được chạm vào chúng từ bên ngoài...Tôi có cảm giác mình là một „crazy fan“ của những chiếc máy bay. Công việc báo chí truyền thông cũng tạo điều kiện cho tôi được tham gia những buổi gặp gỡ các nhà chính trị, những người điều hành các hãng hàng không, những buổi giới thiệu các mẫu máy bay mới, tiếp xúc với nhà báo và truyền hình.

Lễ cắt băng khánh thành VIP Lounge của hãng Emirates

Lễ chia tay máy bay AVRO của hãng Lufthansa 

Lễ khai trương đường bay mới của hãng Monarch Airlines 

Sân bay Munich chào đón nhà vô địch ^o^

Lễ giới thiệu máy bay mới của hãng Air Berlin nhân dịp Weihnachten (Nô-el)

Tham quan máy bay Airbus A380 của hãng Emirates 

Tham quan máy bay Boeing 787 Dreamliner của hãng Qatar Airways 

Thăm quan máy bay Beluga - máy bay chuyên dụng của hãng Airbus

Một máy bay chở hàng có thể chứa được 5-6 xe tải lớn 

Chuyến bay đầu tiên của hãng Ukraine International Airlines đến sân bay Munich 


Sau những ngày tháng làm việc ở sân bay Munich, tôi cảm thấy mình trưởng thành nhiều hơn bao giờ hết. Tôi dần trở nên chín chắn, độc lập và tự tin. Chính cái suy nghĩ rằng mình đến từ một đất nước nhỏ bé (có đồng nghiệp của tôi vẫn nghĩ đến Việt Nam với chiến tranh và nghèo đói), đã khiến tôi tự nhủ phải cố gắng thật nhiều, thậm chí là gấp nhiều lần so với một người Đức bình thường. Có một thứ mà ta gọi nó là „niềm tự hào dân tộc“. Tôi nghĩ rằng khi bạn ở nước ngoài, dù bạn là ai hay bạn làm công việc gì, thì hãy làm cho tốt. Đó cũng là cách đóng góp cho đất nước của mình, chứ chưa cần phải làm gì đó cao siêu.


Các bạn thân mến,
Từ những trải nghiệm của mình tôi đã rút ra được nhiều bài học. Và tôi muốn chia sẻ nó với các bạn. Nếu như ngay bây giờ bạn chưa biết nên bắt đầu từ đâu, thì tôi hy vọng rằng với những chia sẻ sau đây, các bạn sẽ có thể làm được nhiều điều tuyệt vời hơn điều mà tôi đã làm.  

-       Hãy bắt đầu từ những gì bạn thực sự yêu thích. Và một khi đã lựa chọn, thì hãy tự tin vào sự lựa chọn của mình!
Có nhiều bạn tôi biết khi sang Đức thường thay đổi ngành học, chủ yếu là chuyển sang Kinh tế. Những ngành như Ngôn Ngữ hay Xã hội học thường ít được coi trọng vì được xem như là ít cơ hội. Thực ra có cơ hội hay không là ở chính bản thân bạn, phụ thuộc vào việc bạn có năng động và sáng tạo hay không. Hãy chỉ thay đổi một khi bạn không còn đam mê với lĩnh vực mà bạn đã lựa chọn, chứ đừng thay đổi chỉ vì "người khác làm như vậy thì tôi cũng làm như vậy". Nên nhớ chính bạn là người chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình, chứ không phải là một ai khác!

-       Hãy tận dụng mọi cơ hội để mở rộng tầm hiểu biết của mình ở mọi lĩnh vực. Điều đó sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn sau này.
Chương trình học ở các trường Đại học Đức luôn tạo điều kiện để sinh viên được trải nghiệm nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ như bạn học ngành chính là Ngôn ngữ, thì ngành phụ bạn có thể chọn học bất cứ môn nào, kể cả Kinh tế, Luật, Chính trị, Truyền thông v.v. Bạn nên tìm hiểu kĩ trong Modul ngành học của mình. Các bạn biết đấy, chính những kinh nghiệm tôi tích lũy được trong những lớp học về truyền thông, việc mà tôi làm chỉ để „cho vui“, đã giúp tôi thuyết phục được nhà tuyển dụng cho vị trí thực tập tại bộ phận Báo chí truyền thông, mặc dù ngành học chính của tôi là giảng dạy tiếng Đức.        

-       Muốn thành công, trước hết phải học cách chấp nhận những lời từ chối.
Để đến được với vị trí thực tập mơ ước của mình, tôi đã phải trải qua rất nhiều lần bị từ chối. Đáng lẽ ra mọi việc sẽ dễ dàng hơn, nếu như tôi không muốn thử thách mình nhiều đến vậy. Mặc dù có thất vọng, nhưng tôi rút ra được nhiều điều từ đó để có thể làm tốt hơn sau này. Và các bạn biết không, khi một cánh cửa khép lại, thì sẽ lại có một cánh cửa khác mở ra, và đôi khi nó có thể dẫn ta tới những điều thú vị hơn mà ta không thể tưởng tượng hết được. Quan trọng là các bạn không bỏ cuộc!    

Bạn đã sẵn sàng cho những điều mới mẻ trong cuộc sống của mình chưa? Hãy thử nghiệm nhiều nhất có thể. Thời gian trôi qua rồi sẽ không thể lấy lại được, vậy nên hãy tận dụng nó để làm cho mình trưởng thành hơn.
Chúc các bạn tìm được nhiều niềm vui trên cuộc hành trình của mình!


EmoticonEmoticon