Hiển thị các bài đăng có nhãn Chia sẻ về cuộc sống - Lebenserfahrungen. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Chia sẻ về cuộc sống - Lebenserfahrungen. Hiển thị tất cả bài đăng
Something from the bottom of my heart ♥

Something from the bottom of my heart ♥

posted on 05/10/2011

Người vẫn còn "lâng lâng" sau một chuyến đi dài... Từ mai sẽ lại quay về với những công việc quen thuộc: 7h sáng thức dậy, đọc Kinh, Niệm Phật, lên thư viện, mỗi ngày dù thế nào cũng phải dành đủ 10 tiếng cho việc học, rảnh rỗi thích nằm nhà đọc sách, nghe pháp... Ngày nào cũng chỉ ngần nấy việc thôi, mà chẳng mấy khi thấy chán :) Enjoy cuộc sống theo một cách của riêng mình :) Mà cũng bởi lẽ, một khi đã xác định được đích cần hướng tới, thì tâm trí cũng chỉ có duy nhất một điều đó thôi, và sự đam mê, hi sinh là những điều hết sức cần thiết. Cuộc sống tự lập có 2 mặt của nó: một là bạn phải nỗ lực để vươn lên, để trưởng thành; hai là buông thả để đánh mất mình!

 Những điều mà mình đã làm được, chẳng đáng gì, chỉ như một hạt cát nhỏ bé giữa mênh mông sa mạc rộng lớn... Vẫn không ngừng cố gắng, nhưng chẳng phải để hơn thua với ai, cũng chẳng phải để nhận được những lời khen ngợi,... mà bởi đơn giản nó xuất phát từ tình yêu mà mình dành cho mẹ ♥ và cũng bởi, khi yêu một ai đó chân thành, bạn sẽ ý thức được rằng không được phép làm cho người đó thất vọng hay tổn thương...♥


Hà Nội, ngày...tháng...năm... 

"18/7/2010
Hôm nay là ngày Sinh Nhật con gái yêu của mẹ. Mẹ chúc con gái yêu của mẹ mãi mãi xinh đẹp, luôn luôn vui vẻ và gặp nhiều may mắn... Mẹ luôn luôn cầu chúc cho con những điều tốt lành, TRỜI PHẬT phù hộ cho con gái yêu của mẹ. Mẹ yêu con nhiều lắm và mong chờ con, dõi theo con từng bước... Mẹ biết ơn ông Trời thật nhiều vì đã cho mẹ có con, con ạ...!"


"...Mẹ chào con gái! Con chuẩn bị ôn thi nên mệt mỏi lắm phải không? Mẹ thương và yêu con lắm! Con cố gắng lên con nhé! Thực ra thì mẹ thấy cuộc đời mẹ nếu không có các con thì vô vị lắm! Mẹ rất tự hào về con khi con biết sống cho mẹ. Mẹ làm được gì cho các con thì mẹ sẽ hy sinh không mệt mỏi...Con ơi thế là mẹ con mình lại sắp được ở bên nhau rồi. Không biết tâm trạng của mẹ khi ra sân bay đón con thì thế nào nhỉ!...Con kg được nhớ nhà đâu. Phải biết hy sinh cho mai sau. Con nghĩ mà xem thời gian trôi đi nhanh lắm... Lúc đưa con ra sân bay về mẹ thấy nhà trống trải khi thiếu vắng hình bóng con trong từng góc nhà. Mẹ lại nhớ lại lúc mẹ mới sinh con ra, con nằm đấy bé xíu xinh xắn mà bây giờ không thấy nữa. Mẹ về nhà nhớ con quá mẹ ngồi thừ ra và khóc một mình, dở quần áo của con ra và nâng niu xong xếp vào thật cẩn thận...

Nhiều lúc mẹ nghĩ muốn giữ con bên cạnh mẹ ,nhưng thế thì thật ích kỷ đúng không con! Từ khi sinh con ra cho đến lúc con ra sân bay mẹ luôn bên con, nên lúc đó không có mẹ ở bên thì mẹ cũng lo lắng lắm, nhưng vẫn dõi theo từng bước đi của con. Mẹ phải hy sinh cuộc sống của mẹ và cầu nguyện cho con được tốt lành...

Nhanh lắm con ạ! Mẹ đang háo hức để được đón con gái yêu của mẹ mà! Con hãy vượt qua một kỳ thi đầy mệt mỏi này nhé! Rồi con về bên mẹ để tựa vào mẹ cho hết mệt mỏi con nhé...

Con phải tập trung vào ôn để thi cho tốt. Mẹ chờ được đón con trong niềm vui hân hoan dâng trào, con gái yêu quý nhé.......!


"Con cố gắng con nhé. Mẹ biết là con rất mệt mỏi và rất thương yêu con. Cố lên con nhé, xong có mệt mỏi thì về bên mẹ nghỉ ngơi con nhé!... Con phải giữ sức khỏe chứ. Con thấy lúc con ở nhà mẹ phải cho con ăn uống đủ chất để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt nếu không thì ốm ngay. Con còn trẻ phải biết làm cho mình là có sức khỏe bền bỉ và dẻo dai thì mới vững bước tương lai khi vào đời được con ạ! Mẹ mong con hãy tự chăm sóc lấy bản thân khi không có mẹ bên con, vì cuộc sống và tương lai tươi sáng... Lúc con còn nhỏ, mẹ đã thầm hứa mẹ sẽ dậy dỗ con trở thành một người con gái vừa xinh đẹp và tài trí hơn người nên mẹ rất mệt mỏi. Nhưng mẹ chấp nhận nó và chỉ một mình âm thầm mong chờ từng khoảnh khắc. Dù ai nói gì mẹ không nản lòng. Và mẹ muốn con gái yêu của mẹ là một người thật hoàn hảo! Đằng sau con là bóng dáng của mẹ, luôn luôn dõi theo và đồng hành cùng con đến hơi thở cuối cùng... Lúc sinh con ra mẹ cũng thấy con khác rồi, nên mẹ luôn theo sát con, để ý ăn nghỉ của con và hướng cho con , nếu con sai ý là mẹ không chịu được. Mẹ thấy ngẫm đúng lắm, lúc con sinh ra ngạt chết chắc rồi mà mẹ chẳng hay biết, mà Trời Phật đã cho con sống lại, mẹ nghĩ con không phải người bình thường ngay lúc đó. Mẹ thấy cuộc đời con may mắn lắm! Mẹ sinh con ra là mẹ biết, nên mẹ rất tin vào con, mẹ không phải lo nghĩ về con đâu, vì con là con Trời Phật nên con được che chở không ai hại được con, nên mẹ một lòng tin tưởng vào điều đó... Mong sao Trời Phật phù hộ độ trì và che chở cho con gái yêu của mẹ cả cuộc đời này. Mẹ chào con và Hôn con nhiều... Hẹn gặp lại ngày gần nhất được hôn và ôm con vào lòng..." 


" Mẹ muốn bên cạnh con , sát cánh bên con thật bình yên... Con nhớ mẹ nhắc con một điều, rằng mẹ cần có các con mãi mãi trong cuộc đời này chứ không cần gì hết đâu. Mẹ muốn ở bên các con cả cuộc đời này. Mẹ sống và vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống là nhờ vào 2 chị em con đấy... Con đi mẹ nhớ con và muốn giữ lại bên mình, nhưng mẹ nghĩ có yêu thì phải bản lĩnh để con đi và cầu mong thật nhiều may mắn đến với con gái bé bỏng của mẹ con ạ! MẸ THẬT ĐAU LÒNG CON CÓ HAY KHÔNG... Lúc các con còn ở bên mẹ vì yêu các con, mong các con có một cuộc sống thật là tốt đẹp không một chút gợn trong đầu non trẻ nên mẹ cố hết sức có thể. Có lúc cáu và mắng các con vì yêu các con, không muốn các con xấu đi khi ở bên mẹ... Những lúc ở bên các con là mẹ quên đi hết phiền muộn của cuộc sống. Nên mẹ nhắc con luôn luôn có mẹ bên cạnh con , con phải khỏe mạnh thì mẹ không lo lắng... Mẹ chào con gái yêu và xinh đẹp của mẹ! MẸ HÔN CON THẬT NHIỀU..."


Có những khi tưởng chừng như kiệt sức, muốn buông xuôi... nhưng những lời ấm áp của mẹ lại vực con dậy, tiếp thêm cho con sức mạnh và niềm tin để bước tiếp...♥ Có một sự thật là, nếu không có Mẹ, thì cũng sẽ chẳng có "con của ngày hôm nay" ♥

„Hai vai mẹ một gánh đầy huyền thoại,
Lòng yêu thương hào phóng đến vô cùng.
Hình hài con khi còn là hạt bụi,
Lớn lên dần qua tim mẹ bao dung.“ ♥

„Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc,
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không!
Để một mai khi rớt cánh hoa hồng,
Khỏi tiếc nuối những ngày vui bên mẹ!“ ♥

Hỏi về điều kiện du học tại Đức

Hỏi về điều kiện du học tại Đức

Có rất nhiều bạn hỏi mình về chủ đề này, nên hôm nay mình xin có một chia sẻ chung cho các bạn.
Du học Đức không hề khó, điều quan trọng là các bạn phải đạt được một trình độ tiếng Đức nhất định. Điều kiện du học bạn có thể xem ở trang của DAAD: http://www.daadvn.org/vi/21722/ Trang web này cũng cung cấp đầy đủ thông tin cho những người đi du học ở nhiều trình độ khác nhau. Đề thi của các trường dự bị các bạn cũng có thể tìm thấy ở đây:http://www.daadvn.org/vi/17219/index.html Các bạn có thể làm thử để xem khả năng của mình đến đâu.

Ngoài ra cũng có một điều nữa mình muốn lưu ý các bạn. Đó là, du học Đức không phải hoàn toàn miễn phí. Chi phí có thể thấp hơn nhiều so với các nước trong khối châu Âu hay Mỹ, nhưng nó không có nghĩa là các bạn không phải chi trả một thứ gì cả. Mặc dù không phải đóng học phí, nhưng có rất nhiều những khoản phí khác phát sinh, như phí quản lý sinh viên, phí bảo hiểm, đi lại, nhà cửa, phí sinh hoạt,v.v. Và để có thể học ở Đức, mỗi năm các bạn đều phải chứng minh tài chính khoảng 8.000 Euro. Đối với những bạn không hẳn có điều kiện tài chính, các bạn nên cân nhắc kĩ khả năng học tập của mình trước khi quyết định đi du học. Có một điều chắc chắn là làm thêm không đủ để bạn chi trả hết mọi chi phí đâu. Và hơn nữa, 1 năm sinh viên chỉ được làm thêm 120 ngày (toàn thời gian) hay 240 ngày (bán thời gian) thôi.
Tuy nhiên, nếu các bạn có thành tích học tập tốt, có thể xin được học bổng của trường nơi bạn học, hay của DAAD. Lưu ý là, các trường học của Đức không có học bổng cho hệ Bachelor (như Anh, Mỹ), mà chỉ khi các bạn là sinh viên của trường thì mới có cơ hội xin học bổng. Mình đi làm thêm hết năm thứ nhất. Năm thứ 2 mình nhận được học bổng của trường nên chỉ tập trung vào việc học và mới có thể hoàn thành 2 năm trong vòng 1 năm. Sang năm thứ 3 mình đi làm ở công ty, nên tài chính có phần "dễ thở" hơn. Dù sao đi nữa thì các bạn nên chú ý vào việc học. Vì có bằng cấp tốt mới có cơ hội kiếm được việc làm tốt.
Alles klar? Đối với những bạn đã từng hỏi mình về vấn đề này thì hi vọng là các bạn đã có thể tìm thấy câu trả lời qua chia sẻ này.
Thực sự thì mình không thích "tư vấn du học" lắm, mà thay vào đó mình nghĩ nên dành thời gian "tập trung vào chuyên môn" hơn, đó là làm Videos Biểu tượng cảm xúc wink Oder?
Nếu các bạn có thắc mắc (mà không liên quan nhiều đến vấn đề cá nhân) thì cũng có thể viết câu hỏi lên wall, để những bạn nào biết có thể trả lời giúp các bạn. Đó cũng là lý do mình lập Page này để mọi người có thể chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau Biểu tượng cảm xúc kiki
Thế nhé, chúc các bạn mọi điều tốt đẹp! Alles Gute!
Liebe Grüße,
Thanh Tâm
Nhật ký du học Đức - Phần 2: Bài học giá trị từ Người-thầy-cuộc-sống

Nhật ký du học Đức - Phần 2: Bài học giá trị từ Người-thầy-cuộc-sống

Augsburg, 1.8.2012

5h30´ tôi đã có mặt ở Bahnhof (bến tàu) để kịp đón chuyến tàu sớm đến sân bay. Rất tiếc là hôm nay tôi không ra sân bay với một chiếc vali (nếu thế thì có lẽ tôi sẽ bay ngay về với Mẹ), mà là với một chiếc túi xách công sở, áo sơ mi và quần âu. Oh je, hôm nay là ngày thực tập đầu tiên của tôi ở sân bay Munich. Một cuộc hành trình mới lại bắt đầu, đầy thử thách nhưng cũng không kém phần thú vị...

Sau gần 2 tiếng ngồi tàu, cuối cùng tôi cũng có mặt ở khu nhà hành chính của sân bay. Đón tôi ở quầy tiếp tân là Chris, trưởng tòa soạn, người đã phỏng vấn tôi và cũng sẽ là người phụ trách tôi trong 6 tháng tới đây. Đến lúc này thì tôi thực sự thấy rất hồi hộp.

Trước tiên, tôi được dẫn đến văn phòng của mình. (Tôi không hề nghĩ rằng sẽ có một văn phòng riêng cho thực tập sinh). Sau đó, tôi được đưa đi chào hỏi và làm quen với các đồng nghiệp trong bộ phận. Tất cả mọi người đều rất thân thiện, tạo cho tôi cảm giác mình được chào đón ở đây. Mặc dù vậy, tôi cũng có chút gì đó lo lắng và không được tự tin cho lắm vì tôi là người châu Á duy nhất ở đó. Nhiều người hỏi tôi có phải sinh ra và lớn lên ở Đức hay không. Oh, giá mà được như vậy thì cũng đỡ. Đằng này, tôi lại là du học sinh mới sang Đức chưa đầy 3 năm, không một người thân thích. Nói thực là, mặc dù ở trường tôi học không đến nỗi tệ, thế nhưng khả năng giao tiếp của tôi chưa được tốt lắm, vì từ trước đến giờ tôi ít va chạm. Ngôn ngữ dùng ở trường Đại học là ngôn ngữ khoa học, khác hẳn ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày, đặc biệt là giao tiếp trong môi trường công sở. Đã vậy, đồng nghiệp của tôi hầu như đều nói tiếng địa phương của bang Bayern (gọi là Bayerisch). Vậy nên nhiều khi tôi cố gắng lắm mà không thể hiểu được hết, chỉ biết cười trừ.

Bàn làm việc của tôi

Nơi tôi làm là bộ phận báo chí truyền thông và quan hệ công chúng, nơi đòi hỏi một khả năng giao tiếp rất khéo léo. Cái đó thì tôi nghĩ rằng, kể cả có cho tôi sử dụng tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ đi chăng nữa thì tôi cũng chưa chắc làm được, chứ đừng nói đến là bằng tiếng Đức, một thứ tiếng mà đối với người nước ngoài để diễn đạt trôi chảy đủ ý đã là khó rồi, chứ chưa nói đến độ diplomatisch (khéo léo theo kiểu ngoại giao). Bởi vậy mà tôi đã cảm thấy rất căng thẳng.

Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là viết một bài báo về chương trình hợp tác du lịch giữa sân bay Munich và các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đến lúc này thì việc hạn chế về ngôn ngữ đã gây khó khăn thực sự cho tôi. Vốn từ của tôi về ngành hàng không và du lịch hầu như là bằng 0. Nếu như là ở trường, bạn có thể đến gặp giáo sư hay giảng viên để yêu cầu giúp đỡ khi gặp khó khăn. Còn ở đây, mỗi người đều có công việc riêng của mình, rất bận rộn. Một khi công việc đã được giao, thì mong đợi bạn sẽ hoàn thành nó một cách độc lập là điều tất nhiên. Tôi đã không bỏ cuộc. Tôi tự mày mò tìm đọc các bài báo, các trang web liên quan đến lĩnh vực mình cần để có thể mở rộng vốn từ chuyên ngành, cũng như học cách diễn đạt theo phong cách báo chí. Tất nhiên là bài viết của tôi không thể tốt ngay từ lần đầu. Tuy nhiên, tôi đã nhận được những góp ý rất nhẹ nhàng và nhiệt tình từ sếp của mình để tôi có thể làm tốt hơn. Và thực sự, tôi đã rất vui mừng và có một chút tự hào khi thấy tên mình được in trong bài báo đầu tiên. ^_^

Một trong những thành quả 

Còn rất nhiều điều mới mẻ nữa mà tôi cần phải học. Tôi luôn cố gắng tận dụng mọi cơ hội để quan sát các đồng nghiệp của mình, quan sát cách họ giao tiếp với nhau, giao tiếp với đối tác, vô cùng chuyên nghiệp và khéo léo. Bây giờ tôi mới hiểu thế nào là „sức mạnh của lời nói“. Chỉ một lời nói sơ ý thôi là có thể hủy hoại danh tiếng cũng như công sức bao nhiêu năm xây dựng. Có lẽ vậy nên khu vực báo chí tôi làm được đặt đối diện văn phòng của Tổng giám đốc điều hành sân bay.

Nhiều khi tôi cảm thấy áp lực. Áp lực không phải từ bên ngoài mang tới mà là do chính tôi tự tạo ra, vì tôi muốn mình phải làm tốt và tốt hơn nữa. Những lúc như vậy tôi thường tìm tới Mẹ. Mẹ là người đưa cho tôi những lời khuyên, cũng như dạy tôi cách nhìn nhận, đánh giá một con người, một sự việc. Dần dần, tôi trưởng thành và suy nghĩ chín chắn hơn so với tuổi và ngoại hình của mình. Ở Đức có câu "Ein Gramm Praxis ist mehr wert als eine Tonne Theorie" (1 gram Thực tế thì giá trị hơn nhiều 1 tấn Lý thuyết). Bạn biết đấy, có những điều mà trường học không thể nào dạy ta được, mà chỉ có cách chính bản thân mình phải bước ra ngoài và trải nghiệm. Cuộc sống còn vô vàn những điều cần phải học hỏi và những bài học từ Người-thầy-cuộc-sống thường không dễ dàng gì, nhưng một khi đã vượt qua được thì giá trị của bạn qua đó sẽ được nâng lên.

Tôi cảm thấy may mắn khi được làm việc trong một môi trường cởi mở và thân thiện. Mọi người, kể cả lãnh đạo, đối xử với tôi như một nhân viên tiềm năng trong tương lai, chứ không phải như một người học việc. Tôi không nhận thấy bất kì sự phân biệt giữa nhân viên và sếp. Mọi người đều làm việc độc lập và có quyền đóng góp ý kiến. Ngay cả vị lãnh đạo lớn thứ 2 của công ty, người mà chỉ cần đi cùng với ông bạn có thể tự do qua mọi cửa kiểm soát an ninh của sân bay, cũng rất giản dị và thường ngồi chung bàn ăn trưa mới mọi nhân viên, trong đó có cả tôi. Bước ra khỏi cửa công ty, tôi và đồng nghiệp, thậm chí cả sếp của mình, lại trở thành bạn bè. Chúng tôi tụ tập ăn uống và đi du lịch.

Điều thú vị nhất đối với tôi là hàng ngày được di dạo bằng ô tô trong khu vực đường băng sân bay, được ngắm nhìn những chiếc máy bay đầy kiêu hãnh từ phạm vi gần nhất, được chạm vào chúng từ bên ngoài...Tôi có cảm giác mình là một „crazy fan“ của những chiếc máy bay. Công việc báo chí truyền thông cũng tạo điều kiện cho tôi được tham gia những buổi gặp gỡ các nhà chính trị, những người điều hành các hãng hàng không, những buổi giới thiệu các mẫu máy bay mới, tiếp xúc với nhà báo và truyền hình.

Lễ cắt băng khánh thành VIP Lounge của hãng Emirates

Lễ chia tay máy bay AVRO của hãng Lufthansa 

Lễ khai trương đường bay mới của hãng Monarch Airlines 

Sân bay Munich chào đón nhà vô địch ^o^

Lễ giới thiệu máy bay mới của hãng Air Berlin nhân dịp Weihnachten (Nô-el)

Tham quan máy bay Airbus A380 của hãng Emirates 

Tham quan máy bay Boeing 787 Dreamliner của hãng Qatar Airways 

Thăm quan máy bay Beluga - máy bay chuyên dụng của hãng Airbus

Một máy bay chở hàng có thể chứa được 5-6 xe tải lớn 

Chuyến bay đầu tiên của hãng Ukraine International Airlines đến sân bay Munich 


Sau những ngày tháng làm việc ở sân bay Munich, tôi cảm thấy mình trưởng thành nhiều hơn bao giờ hết. Tôi dần trở nên chín chắn, độc lập và tự tin. Chính cái suy nghĩ rằng mình đến từ một đất nước nhỏ bé (có đồng nghiệp của tôi vẫn nghĩ đến Việt Nam với chiến tranh và nghèo đói), đã khiến tôi tự nhủ phải cố gắng thật nhiều, thậm chí là gấp nhiều lần so với một người Đức bình thường. Có một thứ mà ta gọi nó là „niềm tự hào dân tộc“. Tôi nghĩ rằng khi bạn ở nước ngoài, dù bạn là ai hay bạn làm công việc gì, thì hãy làm cho tốt. Đó cũng là cách đóng góp cho đất nước của mình, chứ chưa cần phải làm gì đó cao siêu.


Các bạn thân mến,
Từ những trải nghiệm của mình tôi đã rút ra được nhiều bài học. Và tôi muốn chia sẻ nó với các bạn. Nếu như ngay bây giờ bạn chưa biết nên bắt đầu từ đâu, thì tôi hy vọng rằng với những chia sẻ sau đây, các bạn sẽ có thể làm được nhiều điều tuyệt vời hơn điều mà tôi đã làm.  

-       Hãy bắt đầu từ những gì bạn thực sự yêu thích. Và một khi đã lựa chọn, thì hãy tự tin vào sự lựa chọn của mình!
Có nhiều bạn tôi biết khi sang Đức thường thay đổi ngành học, chủ yếu là chuyển sang Kinh tế. Những ngành như Ngôn Ngữ hay Xã hội học thường ít được coi trọng vì được xem như là ít cơ hội. Thực ra có cơ hội hay không là ở chính bản thân bạn, phụ thuộc vào việc bạn có năng động và sáng tạo hay không. Hãy chỉ thay đổi một khi bạn không còn đam mê với lĩnh vực mà bạn đã lựa chọn, chứ đừng thay đổi chỉ vì "người khác làm như vậy thì tôi cũng làm như vậy". Nên nhớ chính bạn là người chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình, chứ không phải là một ai khác!

-       Hãy tận dụng mọi cơ hội để mở rộng tầm hiểu biết của mình ở mọi lĩnh vực. Điều đó sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn sau này.
Chương trình học ở các trường Đại học Đức luôn tạo điều kiện để sinh viên được trải nghiệm nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ như bạn học ngành chính là Ngôn ngữ, thì ngành phụ bạn có thể chọn học bất cứ môn nào, kể cả Kinh tế, Luật, Chính trị, Truyền thông v.v. Bạn nên tìm hiểu kĩ trong Modul ngành học của mình. Các bạn biết đấy, chính những kinh nghiệm tôi tích lũy được trong những lớp học về truyền thông, việc mà tôi làm chỉ để „cho vui“, đã giúp tôi thuyết phục được nhà tuyển dụng cho vị trí thực tập tại bộ phận Báo chí truyền thông, mặc dù ngành học chính của tôi là giảng dạy tiếng Đức.        

-       Muốn thành công, trước hết phải học cách chấp nhận những lời từ chối.
Để đến được với vị trí thực tập mơ ước của mình, tôi đã phải trải qua rất nhiều lần bị từ chối. Đáng lẽ ra mọi việc sẽ dễ dàng hơn, nếu như tôi không muốn thử thách mình nhiều đến vậy. Mặc dù có thất vọng, nhưng tôi rút ra được nhiều điều từ đó để có thể làm tốt hơn sau này. Và các bạn biết không, khi một cánh cửa khép lại, thì sẽ lại có một cánh cửa khác mở ra, và đôi khi nó có thể dẫn ta tới những điều thú vị hơn mà ta không thể tưởng tượng hết được. Quan trọng là các bạn không bỏ cuộc!    

Bạn đã sẵn sàng cho những điều mới mẻ trong cuộc sống của mình chưa? Hãy thử nghiệm nhiều nhất có thể. Thời gian trôi qua rồi sẽ không thể lấy lại được, vậy nên hãy tận dụng nó để làm cho mình trưởng thành hơn.
Chúc các bạn tìm được nhiều niềm vui trên cuộc hành trình của mình!
Nhật ký du học Đức - Phần 1: Trưởng thành qua những trải nghiệm

Nhật ký du học Đức - Phần 1: Trưởng thành qua những trải nghiệm

Các bạn thân mến,
Hallo ihr Lieben,

Ngày hôm nay, tôi muốn kể cho các bạn nghe về câu chuyện của chính tôi trong gần 6 năm du học tại Đức. 6 năm không hẳn là quãng thời gian dài so với nhiều anh chị và bạn bè mà tôi quen biết. Thế nhưng, đối với tôi, đó là 6 năm trải nghiệm vô cùng quý giá không gì có thể đánh đổi được. Có buồn vui, có nước mắt và hạnh phúc...Và tôi biết rằng, tôi trưởng thành như bây giờ chính là nhờ những điều đó.

Du học đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận tham gia một „cuộc mạo hiểm“, bởi bạn không thể biết được những gì đang chờ đợi mình ở phía trước. Nhưng cuộc sống thú vị là ở chỗ đó. Tôi nghĩ, những gì có thể đạt được một cách dễ dàng, thì cũng sẽ dễ dàng rời bỏ mình mà ra đi. Phải trải qua khó khăn thử thách thì ta mới biết trân trọng những gì mà mình có được và biết cách giữ gìn để cho nó không mất đi.

Ja, Was dich nicht umbringt, macht dich nur stärker. (What doesn't kill you makes you stronger!)


Phần 1: Trưởng thành qua những trải nghiệm

Cuộc sống của tôi, kể từ khi rời xa gia đình vào năm 19 tuổi để đi du học, luôn gắn liền với sự dịch chuyển. Cách đây gần 6 năm, trước chuyến hành trình xa nhất từ trước đến giờ trong cuộc đời mình, tôi đã vô cùng háo hức. Chỉ đến khi ngồi trên máy bay và bỗng nhận ra chỉ còn có một mình, nước mắt tôi cứ thế tuôn rơi...Tôi đã cố gắng quay mặt ra cửa sổ để người ngồi bên cạnh không nhìn thấy. Và giây phút ấy, tôi tự hứa với mình rằng, nhất định một ngày nào đó tôi sẽ thành công và là niềm tự hào của bố mẹ...Và đến bây giờ, tôi vẫn luôn nhắc nhở mình về lời hứa ấy.

Noi Bai Airport, 25.8.2009Noi Bai Airport, 25.8.2009

Năm đầu tiên của tôi ở trường dự bị trôi qua một cách nhanh chóng. Ngoài giờ học, cuối tuần tôi đi làm thêm ở một nhà hàng của Đức. Công việc của tôi là...rửa bát, một việc mà khi còn ở nhà tôi hiếm khi phải động tay vào. OMG, đó quả là „cú sốc“ lớn với tôi, nhất là khi trước đó mấy tháng chỗ tôi đứng là đài truyền hình, là trước máy quay, chứ không phải căn bếp nóng bức và ồn ào này. Mấy ngày đầu tiên đi làm tôi còn sốc hơn nữa khi thấy da tay mình bị bong tróc vì ngâm nước nóng và hóa chất quá nhiều. Tôi khóc. Ok, nhưng sau đó tôi lại tự nhủ, người khác làm được thì mình cũng làm được. Và tôi làm ở chỗ đó cho đến khi kết thúc khóa học dự bị. Mặc dù lương không cao, nhưng bù lại tôi có cơ hội được cải thiện khả năng giao tiếp bằng tiếng Đức của mình. Nỗi nhớ nhà, nỗi tủi thân...khiến tôi dồn hết sức vào việc học. Tôi luôn muốn mình bận rộn để không còn thời gian nghĩ ngợi mông lung. Tháng 7/2010 tôi nhận được bằng dự bị loại xuất sắc với số điểm cao nhất trường. Đó là kết quả của những nỗ lực không ngừng và hơn hết là tình yêu và sự biết ơn vô cùng lớn mà tôi dành cho Mẹ, người đã luôn tin tưởng và động viên tôi.

Nordhausen, 8.2009Nordhausen, 8.2009  

Nordhausen, 8.2009Nordhausen, 8.2009

Ngày tốt nghiệp StudienkollegNgày tốt nghiệp Studienkolleg

2 ngày sau khi nộp đơn, tôi nhận được giấy gọi nhập học của đại học Augsburg. Vậy là tôi lại đóng gói đồ đạc để chuyển từ bang Thüringen sang bang Bayern, một mình. Chuyên ngành chính mà tôi theo học là Deutsch als Fremdsprache, giảng dạy tiếng Đức. Bên cạnh ngành chính còn có ngành phụ và ngành tự chọn. Tôi đã chọn học các khóa học về truyền thông vì tôi có một niềm đam mê đặc biệt với lĩnh vực này. Ngoài ra tôi còn tham gia các buổi giảng của lớp kinh tế và luật. Nói chung là tôi tận dụng mọi cơ hội để mở rộng tầm hiểu biết của mình ở các lĩnh khác nhau. Và tôi nhận ra một điều rằng, mình học không phải vì điểm số, mà là để hoàn thiện chính con người mình. Cuộc sống của một sinh viên đại học khác hẳn so với khi học dự bị. 2 tuần đầu tiên của kì I trôi qua cực kì căng thẳng khi phải vừa chọn môn học, sắp xếp lịch học, ổn định nhà cửa, công việc, vừa phải làm quen với quá nhiều điều mới mẻ. Buổi đầu tiên, tôi đến muộn một môn học vì còn loay hoay không biết phòng học nằm ở đâu. Nếu đã đi du học, chắc hẳn bạn cũng đã từng trải qua điều đó ;)   

Với bạn bè ở Uni AugsburgVới bạn bè ở Uni Augsburg 

Ngay từ khi chương trình học đại học của mình còn chưa bắt đầu, tôi đã đi làm thêm ở một quán ăn nhanh. Công việc thứ 2 của tôi tại Đức khá nặng nhọc và căng thẳng. Nhưng chính quãng thời gian đó đã rèn luyện cho tôi một tính cách kiên trì, một tác phong nhanh nhẹn trong công việc và hơn hết là sự chịu đựng, đương đầu với áp lực. Sau học kì 1, tôi nhận được học bổng của trường. Vì vậy tôi đã quyết định nghỉ làm thêm để tập trung vào việc học.

Cuộc sống của tôi sau đó chỉ có học, học và học. Tôi khiến mình bận rộn nhất có thể bằng cách tham gia vào các dự án xã hội của trường và lấp đầy lịch học của mình. Cho đến hết năm thứ 2 của chương trình Cử Nhân, tôi nhận ra rằng mình đã học hết các môn và chỉ còn bài tốt nghiệp. Đáng lẽ ra mọi việc sẽ diễn ra theo một lịch trình mà tôi đã lập ra cho mình, nếu như không có một „bất ngờ lớn“ ngoài dự tính xảy ra.

Theo quy định của trường, sinh viên chuyên ngành của tôi phải đi làm thực tập 1,5 tháng. Tôi băn khoăn không biết nên làm gì, làm ở đâu. Tôi bắt đầu tìm kiếm trên mạng. Ước mơ của tôi khi còn học Trung học là trở thành 1 tiếp viên hàng không. Thậm chí khi học năm thứ nhất Đại học ở Việt Nam, mẹ đã đưa tôi đi tuyển tiếp viên hàng không (nhưng may mắn là không đỗ, vì nếu không, có lẽ bây giờ tôi sẽ ở một nơi nào đó khác chứ không phải Đức :P). Mặc dù với chuyên ngành học hiện tại của mình thì việc thực hiện điều đó là không thể, thế nhưng tôi không từ bỏ. Tôi bắt đầu tìm kiếm một công việc gì đó liên quan đến ngành hàng không. Và tôi đã tự hỏi mình: „Vì sao lại không phải là sân bay nhỉ?“ Vậy là tôi vào trang web của sân bay Munich (Flughafen München), nơi gần chỗ tôi ở nhất. Và tôi rất bất ngờ khi thấy có vị trí cần tuyển ở bộ phận Báo chí truyền thông. Ngay đêm hôm đó, tôi đã thức tới sáng để hoàn thành đăng ký ứng tuyển.

Thực ra lúc đó, tôi cũng không mong đợi gì nhiều, vì khi ấy tôi chỉ mới là một du học sinh sống chưa đầy 3 năm ở Đức. Tôi quên ngay việc mình đã làm...Cho đến khi tôi nhận được cuộc hẹn đi phỏng vấn. Tôi đã rất hồi hộp và đến sớm trước hẳn 2 tiếng. Buổi phỏng vấn diễn ra khá suôn sẻ. Mặc dù vậy tôi cũng không hy vọng quá nhiều. Tôi đã tự nói với mình là quên điều đó đi và coi đó như một cơ hội để trải nghiệm thôi. Vậy mà một tuần sau, tôi nhận được cuộc gọi từ công ty. Họ nói với tôi rằng công ty đồng ý nhận tôi và hy vọng là cũng sẽ nhận được lời đồng ý từ tôi. Và chắc hẳn là bạn cũng đoán được câu trả lời của tôi ;) Ngay sau đó, tôi đã gọi điện cho Mẹ để xác định một điều rằng, mình không hề mơ.  
Tuy nhiên điều đó cũng đồng nghĩa với việc cuộc sống của tôi sẽ có rất nhiều xáo trộn...



Thông điệp mà tôi muốn gửi tới bạn:

1. Cuộc sống du học không hề dễ dàng. Mặc dù bạn không quyết định được điều gì sẽ xảy đến với mình, thế nhưng bạn có thể làm chủ được cách mà bạn suy nghĩ về nó. Trong cuộc sống này, điều gì xảy ra cũng đều có lý do của nó. Và có thể đến một lúc nào đó, bạn sẽ phải cảm ơn cuộc sống này vì những khó khăn thử thách mà nó đã đưa đến cho bạn.

2. Dù bạn có nhiệt huyết đến đâu, thì cũng sẽ có lúc bạn cảm thấy mệt mỏi và muốn buông xuôi. Chính vì những lúc như thế mà ngay từ đầu bạn cần đặt ra cho mình những mục tiêu cần đạt được. Hãy nỗ lực hết mình và kiên trì theo đuổi những mục tiêu đó. Thành công có thể đang ở rất gần bạn.

3. Đừng nhìn vào một ai khác và ganh đua với họ. Bạn là duy nhất và bạn có giá trị riêng của mình! Quan trọng hơn cả là những gì bạn đóng góp cho cuộc sống để làm cho nó tốt đẹp lên. Và chính những gì bạn cho đi sẽ quyết định giá trị của bạn!

4. Hãy tự tin vào bản thân mình. Những điều người khác nói về bạn không quan trọng bằng những gì bạn tự nói với chính mình. Nếu bạn nghĩ bạn có thể, thì bạn sẽ làm được! Nếu có thất bại, thì chỉ là cách cuộc sống thông báo với bạn rằng con đường này không phù hợp với bạn và bạn nên lựa chọn cho mình một hướng đi khác. Đừng nản lòng!

Hãy biết ơn cuộc sống này, dù thế nào đi nữa.

6 năm và một cuộc hành trình

Ngày 26.8 này sẽ là tròn 6 năm mình đặt chân đến nước Đức, cũng chính là dấu mốc cho một bước ngoặt lớn trong cuộc đời mình. Nếu để kể về những khó khăn đã trải qua, thì thực sự là không biết nên bắt đầu từ đâu......

Từ lúc đặt chân lên máy bay, thấy những người mình thương yêu bỗng dưng „biến mất“, xung quanh chỉ toàn người xa lạ, khiến mình cảm thấy đôi chút hụt hẫng, và......sợ hãi vì không thể hình dung được những gì đang chờ đợi mình sau chuyến bay dài, và vì từ đây con đường mình đi sẽ chỉ có một mình.

Thời tiết ở Đức khắc nghiệt, khiến những ngày đầu tiên của mình ở nước Đức không hề dễ dàng. Vì không khí khô, nên mình hay bị chảy máu cam, viêm họng và.....chảy máu dạ dày. Mấy tháng đầu tiên chỉ có thể ăn súp và rau quả. Nhiều lúc tủi thân, ước gì đây chỉ là một giấc mơ......

Nhớ những hôm đi làm thêm về 12h đêm-1h sáng, một mình băng qua cánh đồng mênh mông tuyết trắng, không hiểu sao mình không thấy sợ, chỉ ngước nhìn lên trời ngắm những vì sao, ước ao một ngày nào đó mình cũng sẽ tỏa sáng như những vì sao kia....Mình giữ thói quen và cũng là sở thích đó cho đến suốt những ngày tháng học đại học. Mỗi buổi tối đi từ thư viện về nhà, vẫn không quên ngắm nhìn những vì sao......

Chính nỗi nhớ nhà và sự biết ơn vô cùng lớn dành cho những yêu thương và hi sinh của Mẹ là động lực giúp cho mình quyết tâm một cách mạnh mẽ. Đối với mình, không có gì quan trọng hơn việc học. Có cảm giác như phải nỗ lực 200% so với mình của trước kia. Nếu nói về bí quyết học tập của mình, thì không có gì hơn là sự chăm chỉ, kiên trì và tập trung cao độ. Mình chưa bao giờ quan tâm tới việc làm sao để qua được các kì thi, mà là làm sao để đạt điểm tuyệt đối. Phải đặt cho mình một cái đích cao nhất, để nếu có lỡ không đạt được thì kết quả cũng không đến nỗi quá tệ.

„Muốn có THÀNH CÔNG thì phải ĐÁNH ĐỔI“. Cái gì trong cuộc sống này cũng có giá của nó. Nếu mình muốn đạt được một điều gì đó, thì cần biết phải buông tay khỏi những thứ khác. Bởi vậy, trên con đường đến cái đích mà mình mong muốn, cũng cần phải học cách nói KHÔNG. Muốn làm được điều đó, thì trước tiên cần xác định mục tiêu mình muốn đạt được là gì và điều gì là quan trọng đối với mình? Mục tiêu quan trọng nhất của mình cho đến bây giờ là việc học tập, vậy nên mình nói KHÔNG với hầu hết tất cả mọi thú vui khác mà một người bình thường có. Tuy nhiên, mình không quá đặt nặng vấn đề đó, hay coi đó là một sự hi sinh. Đơn giản, đó là sự lựa chọn của mình. Thực sự là nếu không làm như vậy, thì mình đã không thể hoàn thành chương trình Bachelor trong 2 năm, và có 1 năm trải nghiệm công việc ở một công ty lớn. Vừa quay trở lại Đức sau 6 tháng làm việc ở Singapore, hiện tại mình đang phải dồn tâm sức cho bài tốt nghiệp Master. Những ngày tháng là một sinh viên du học sắp kết thúc.........Thời gian trôi qua nhanh lắm đối với những ai biết nỗ lực hết mình. Những kế hoạch mới, những chặng đường mới đang mở ra. Mình không biết sẽ đi xa được đến đâu, nhưng vẫn luôn tin tưởng vào những điều tốt đẹp.....

Cuộc hành trình 6 năm qua với mình nhiều điều thú vị, nhưng cũng không thiếu nỗi buồn và nước mắt. Tuy nhiên, nếu cho lựa chọn lại, mình vẫn chọn đi con đường này, bởi nếu không mình cũng sẽ chẳng thể trưởng thành như ngày hôm nay.......



Mang theo gì trên hành trình du học?

Tháng 8 với những người chuẩn bị đi du học là tháng của những háo hức pha lẫn lo âu cho hành trình trước mặt. Khi cầm được chiếc visa trên tay có thể nhiều người cảm thấy rất đỗi vui mừng, như thể vừa vượt qua được một thử thách lớn lao.........nhưng thực ra đó mới chỉ là một sự khởi đầu. Để có thể đi được hết cuộc hành trình và đạt được thành công, đòi hỏi một sự nỗ lực rất lớn từ chính bản thân. 4-5 năm dự bị và đại học, hay 1-2 năm cao học tưởng chừng như ngắn, mà thực ra lại rất dài..........vì từ khi xách vali ra khỏi nhà, cho đến khi quay trở về..........mình đã là một con người hoàn toàn khác....

Không ai có thể hình dung hết được những gì đang chờ đợi mình ở phía trước. Vậy thì nên chuẩn bị những gì để đi cùng mình đến hết cuộc hành trình?

Thứ mà mọi người nghĩ đến đầu tiên có lẽ là...đồ ăn Việt Nam và quần áo mùa đông. Đồ ăn bên Đức thường là đồ nguội: bánh mì các loại, xúc xích và bơ sữa. Những bữa cơm canh nóng hổi bên gia đình sẽ dần là.........một ước mơ xa vời! Nếu muốn nấu đồ ăn Việt Nam thì cũng có thể dễ dàng tìm được nguyên liệu ở các cửa hàng Châu Á, nhưng thường là khá đắt (thậm chí đắt hơn đồ Đức). Nhưng theo kinh nghiệm của mình, một khi đã bị cuốn vào „vòng quay“ của việc học và làm thêm thì chuyện ăn uống sẽ trở thành thứ yếu, tức là „ăn để sống“ thôi. Lâu dần cũng trở thành quen và thấy điều ấy cũng bình thường.

Trước khi đi du học mình vô cùng sung sướng sau khi „lục tung Hà Nội“ thì cuối cùng cũng tìm được một chiếc áo lông vũ dài, ấm áp. Nhưng khi sang đến Đức thì chiếc áo ấy....nhanh chóng nằm dưới đáy tủ. Từ bé đến lúc đi du học, mình chưa hình dung được cảm giác có tuyết thì nó như thế nào. Thực sự thì nó.....lạnh kinh khủng. Nếu mùa đông ở Hà Nội là cảm giác lạnh buốt, thì ở bên này lại là cái....lạnh cóng, tưởng chừng như mình sắp đóng băng. Vậy nên, theo kinh nghiệm của mình, quần áo mua ở Việt Nam chỉ đủ mặc mùa thu thôi, đến mùa đông là không đủ ấm. Cũng không cần mua boot mùa đông ở Việt Nam, vì thường là chúng sẽ không chịu nổi tuyết bên này đâu. Những thứ này các bạn nên mua ở Đức, nhiều khi có Angebot (giảm giá) thì cũng có thể mua được đồ tốt giá rẻ hơn cả ở Việt Nam. Tuy nhiên nhớ mua khăn quàng và găng tay.                 
     
Mặc dù là đi (du) học, nhưng hầu như mình không mang theo sách vở. Mẹ thương con gái đi xa nhà một mình, chuẩn bị cho con bao nhiêu là thứ, từ những vật dụng nhỏ nhất, đến nỗi con bị quá hơn 20 kg :D Vì thế, mình chỉ còn đủ chỗ để mang theo quyển từ điển Langenscheidt và quyển vở học tiếng Đức từ hồi cấp 3. Nhưng sang đến bên này thì.....tất cả mọi thứ ấy đều không cần đến nữa, ngoại trừ quyển Langenscheidt là bắt buộc dùng khi học Studienkolleg (dự bị).

Tất nhiên là các bạn nên mang theo cho mình nhiều thứ nhất, nếu có thể. Vì ở bên này, cái gì cũng phải mua bằng tiền cả, mà tiền lại ở mệnh giá khác hẳn ;)

Dù chiếc vali của bạn có đầy cỡ nào, thì những đồ vật đó cũng không thể đi theo bạn đến hết chặng đường trước mặt. Mà mình nghĩ quan trọng nhất đó là chuẩn bị cho bản thân mình một tinh thần vững vàng, lòng can đảm trước những thử thách, tinh thần lạc quan đón nhận những điều mới mẻ và hơn hết là một sự quyết tâm mãnh liệt!

Một khi đi du học, thì thế giới xung quanh mình sẽ là một thế giới khác, nhiều điều mới mẻ, lạ lẫm. Cuộc sống ở đó đi lại cũng khác, phải mất một thời gian khá dài mới thông thuộc và mới có cảm giác mình làm chủ cuộc sống của mình. Ở đó mình không phải là người bản xứ, không có gia đình hay người thân, mỗi bước đi đều phải tự dò đường, nhiều lúc đi sai, phải bình tĩnh và can đảm quay đầu. Việc vừa học vừa làm là bình thường, kể cả những công việc chân tay, không được xấu hổ và phải biết cách sắp xếp thời gian để không làm nặng gánh tài chính cho gia đình, mà việc học vẫn luôn phải là trên hết.

Tuổi trẻ luôn tò mò trước những điều mới mẻ, nhưng lại chưa đủ kinh nghiệm để đối phó mỗi khi cám dỗ đến. Nếu như ở nhà có bố mẹ bao bọc, thì khi đi du học, bạn chỉ có một mình. Vòng tay bố mẹ dẫu vững chắc và rộng mở, vẫn không đủ vươn xa theo con đi khắp những ngả đường. Bố mẹ có thể đưa cho bạn những lời khuyên, nhưng chính bạn mới là người đưa ra quyết định. Một quyết định sai có thể hủy hoại con đường tươi sáng phía trước, hay đưa mình tới những hướng đi mà mình không mong muốn. Dẫu có làm việc gì đi nữa, thì trước tiên cũng nên nhớ tới cái đích mà mình muốn đạt được. Việc bạn làm có giúp ích gì cho việc đạt được mục tiêu của bạn không? Hãy tự trả lời câu hỏi đó trước khi đưa ra mỗi quyết định.

Hành trình du học luôn mở ra những chân trời mới, những khám phá mới đầy thú vị, nhưng hành trình này lắm lúc cũng rất cô đơn. Dẫu biết mỗi ai khi lớn lên đều phải tự mình va chạm để định hình quan điểm, tính cách cho riêng mình, nhưng không có gia đình, những người mình thương yêu tin tưởng bên cạnh trong hành trình này nhiều khi cảm thấy thiệt thòi nhiều lắm. Chính những lời động viên của bố mẹ là động lực to lớn giúp con cái mình vượt qua được những giai đoạn thử thách trong cuộc sống, tạo cho con một sự an tâm để phấn đấu. Mặc dù bố mẹ khó lòng nhìn thấy những góc nhìn từ một nền văn hóa khác, một xã hội, một cách sống khác...., nhưng bằng tình yêu vô bờ bến, bằng kinh nghiệm sống, bằng trực giác...., bố mẹ vẫn là điểm tựa quý giá cho mỗi bước đường của con. Và chính tình yêu thương đó sẽ là thứ theo con đến hết cuộc hành trình....