Nhật ký du học Đức - Phần 1: Trưởng thành qua những trải nghiệm

Các bạn thân mến,
Hallo ihr Lieben,

Ngày hôm nay, tôi muốn kể cho các bạn nghe về câu chuyện của chính tôi trong gần 6 năm du học tại Đức. 6 năm không hẳn là quãng thời gian dài so với nhiều anh chị và bạn bè mà tôi quen biết. Thế nhưng, đối với tôi, đó là 6 năm trải nghiệm vô cùng quý giá không gì có thể đánh đổi được. Có buồn vui, có nước mắt và hạnh phúc...Và tôi biết rằng, tôi trưởng thành như bây giờ chính là nhờ những điều đó.

Du học đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận tham gia một „cuộc mạo hiểm“, bởi bạn không thể biết được những gì đang chờ đợi mình ở phía trước. Nhưng cuộc sống thú vị là ở chỗ đó. Tôi nghĩ, những gì có thể đạt được một cách dễ dàng, thì cũng sẽ dễ dàng rời bỏ mình mà ra đi. Phải trải qua khó khăn thử thách thì ta mới biết trân trọng những gì mà mình có được và biết cách giữ gìn để cho nó không mất đi.

Ja, Was dich nicht umbringt, macht dich nur stärker. (What doesn't kill you makes you stronger!)


Phần 1: Trưởng thành qua những trải nghiệm

Cuộc sống của tôi, kể từ khi rời xa gia đình vào năm 19 tuổi để đi du học, luôn gắn liền với sự dịch chuyển. Cách đây gần 6 năm, trước chuyến hành trình xa nhất từ trước đến giờ trong cuộc đời mình, tôi đã vô cùng háo hức. Chỉ đến khi ngồi trên máy bay và bỗng nhận ra chỉ còn có một mình, nước mắt tôi cứ thế tuôn rơi...Tôi đã cố gắng quay mặt ra cửa sổ để người ngồi bên cạnh không nhìn thấy. Và giây phút ấy, tôi tự hứa với mình rằng, nhất định một ngày nào đó tôi sẽ thành công và là niềm tự hào của bố mẹ...Và đến bây giờ, tôi vẫn luôn nhắc nhở mình về lời hứa ấy.

Noi Bai Airport, 25.8.2009Noi Bai Airport, 25.8.2009

Năm đầu tiên của tôi ở trường dự bị trôi qua một cách nhanh chóng. Ngoài giờ học, cuối tuần tôi đi làm thêm ở một nhà hàng của Đức. Công việc của tôi là...rửa bát, một việc mà khi còn ở nhà tôi hiếm khi phải động tay vào. OMG, đó quả là „cú sốc“ lớn với tôi, nhất là khi trước đó mấy tháng chỗ tôi đứng là đài truyền hình, là trước máy quay, chứ không phải căn bếp nóng bức và ồn ào này. Mấy ngày đầu tiên đi làm tôi còn sốc hơn nữa khi thấy da tay mình bị bong tróc vì ngâm nước nóng và hóa chất quá nhiều. Tôi khóc. Ok, nhưng sau đó tôi lại tự nhủ, người khác làm được thì mình cũng làm được. Và tôi làm ở chỗ đó cho đến khi kết thúc khóa học dự bị. Mặc dù lương không cao, nhưng bù lại tôi có cơ hội được cải thiện khả năng giao tiếp bằng tiếng Đức của mình. Nỗi nhớ nhà, nỗi tủi thân...khiến tôi dồn hết sức vào việc học. Tôi luôn muốn mình bận rộn để không còn thời gian nghĩ ngợi mông lung. Tháng 7/2010 tôi nhận được bằng dự bị loại xuất sắc với số điểm cao nhất trường. Đó là kết quả của những nỗ lực không ngừng và hơn hết là tình yêu và sự biết ơn vô cùng lớn mà tôi dành cho Mẹ, người đã luôn tin tưởng và động viên tôi.

Nordhausen, 8.2009Nordhausen, 8.2009  

Nordhausen, 8.2009Nordhausen, 8.2009

Ngày tốt nghiệp StudienkollegNgày tốt nghiệp Studienkolleg

2 ngày sau khi nộp đơn, tôi nhận được giấy gọi nhập học của đại học Augsburg. Vậy là tôi lại đóng gói đồ đạc để chuyển từ bang Thüringen sang bang Bayern, một mình. Chuyên ngành chính mà tôi theo học là Deutsch als Fremdsprache, giảng dạy tiếng Đức. Bên cạnh ngành chính còn có ngành phụ và ngành tự chọn. Tôi đã chọn học các khóa học về truyền thông vì tôi có một niềm đam mê đặc biệt với lĩnh vực này. Ngoài ra tôi còn tham gia các buổi giảng của lớp kinh tế và luật. Nói chung là tôi tận dụng mọi cơ hội để mở rộng tầm hiểu biết của mình ở các lĩnh khác nhau. Và tôi nhận ra một điều rằng, mình học không phải vì điểm số, mà là để hoàn thiện chính con người mình. Cuộc sống của một sinh viên đại học khác hẳn so với khi học dự bị. 2 tuần đầu tiên của kì I trôi qua cực kì căng thẳng khi phải vừa chọn môn học, sắp xếp lịch học, ổn định nhà cửa, công việc, vừa phải làm quen với quá nhiều điều mới mẻ. Buổi đầu tiên, tôi đến muộn một môn học vì còn loay hoay không biết phòng học nằm ở đâu. Nếu đã đi du học, chắc hẳn bạn cũng đã từng trải qua điều đó ;)   

Với bạn bè ở Uni AugsburgVới bạn bè ở Uni Augsburg 

Ngay từ khi chương trình học đại học của mình còn chưa bắt đầu, tôi đã đi làm thêm ở một quán ăn nhanh. Công việc thứ 2 của tôi tại Đức khá nặng nhọc và căng thẳng. Nhưng chính quãng thời gian đó đã rèn luyện cho tôi một tính cách kiên trì, một tác phong nhanh nhẹn trong công việc và hơn hết là sự chịu đựng, đương đầu với áp lực. Sau học kì 1, tôi nhận được học bổng của trường. Vì vậy tôi đã quyết định nghỉ làm thêm để tập trung vào việc học.

Cuộc sống của tôi sau đó chỉ có học, học và học. Tôi khiến mình bận rộn nhất có thể bằng cách tham gia vào các dự án xã hội của trường và lấp đầy lịch học của mình. Cho đến hết năm thứ 2 của chương trình Cử Nhân, tôi nhận ra rằng mình đã học hết các môn và chỉ còn bài tốt nghiệp. Đáng lẽ ra mọi việc sẽ diễn ra theo một lịch trình mà tôi đã lập ra cho mình, nếu như không có một „bất ngờ lớn“ ngoài dự tính xảy ra.

Theo quy định của trường, sinh viên chuyên ngành của tôi phải đi làm thực tập 1,5 tháng. Tôi băn khoăn không biết nên làm gì, làm ở đâu. Tôi bắt đầu tìm kiếm trên mạng. Ước mơ của tôi khi còn học Trung học là trở thành 1 tiếp viên hàng không. Thậm chí khi học năm thứ nhất Đại học ở Việt Nam, mẹ đã đưa tôi đi tuyển tiếp viên hàng không (nhưng may mắn là không đỗ, vì nếu không, có lẽ bây giờ tôi sẽ ở một nơi nào đó khác chứ không phải Đức :P). Mặc dù với chuyên ngành học hiện tại của mình thì việc thực hiện điều đó là không thể, thế nhưng tôi không từ bỏ. Tôi bắt đầu tìm kiếm một công việc gì đó liên quan đến ngành hàng không. Và tôi đã tự hỏi mình: „Vì sao lại không phải là sân bay nhỉ?“ Vậy là tôi vào trang web của sân bay Munich (Flughafen München), nơi gần chỗ tôi ở nhất. Và tôi rất bất ngờ khi thấy có vị trí cần tuyển ở bộ phận Báo chí truyền thông. Ngay đêm hôm đó, tôi đã thức tới sáng để hoàn thành đăng ký ứng tuyển.

Thực ra lúc đó, tôi cũng không mong đợi gì nhiều, vì khi ấy tôi chỉ mới là một du học sinh sống chưa đầy 3 năm ở Đức. Tôi quên ngay việc mình đã làm...Cho đến khi tôi nhận được cuộc hẹn đi phỏng vấn. Tôi đã rất hồi hộp và đến sớm trước hẳn 2 tiếng. Buổi phỏng vấn diễn ra khá suôn sẻ. Mặc dù vậy tôi cũng không hy vọng quá nhiều. Tôi đã tự nói với mình là quên điều đó đi và coi đó như một cơ hội để trải nghiệm thôi. Vậy mà một tuần sau, tôi nhận được cuộc gọi từ công ty. Họ nói với tôi rằng công ty đồng ý nhận tôi và hy vọng là cũng sẽ nhận được lời đồng ý từ tôi. Và chắc hẳn là bạn cũng đoán được câu trả lời của tôi ;) Ngay sau đó, tôi đã gọi điện cho Mẹ để xác định một điều rằng, mình không hề mơ.  
Tuy nhiên điều đó cũng đồng nghĩa với việc cuộc sống của tôi sẽ có rất nhiều xáo trộn...



Thông điệp mà tôi muốn gửi tới bạn:

1. Cuộc sống du học không hề dễ dàng. Mặc dù bạn không quyết định được điều gì sẽ xảy đến với mình, thế nhưng bạn có thể làm chủ được cách mà bạn suy nghĩ về nó. Trong cuộc sống này, điều gì xảy ra cũng đều có lý do của nó. Và có thể đến một lúc nào đó, bạn sẽ phải cảm ơn cuộc sống này vì những khó khăn thử thách mà nó đã đưa đến cho bạn.

2. Dù bạn có nhiệt huyết đến đâu, thì cũng sẽ có lúc bạn cảm thấy mệt mỏi và muốn buông xuôi. Chính vì những lúc như thế mà ngay từ đầu bạn cần đặt ra cho mình những mục tiêu cần đạt được. Hãy nỗ lực hết mình và kiên trì theo đuổi những mục tiêu đó. Thành công có thể đang ở rất gần bạn.

3. Đừng nhìn vào một ai khác và ganh đua với họ. Bạn là duy nhất và bạn có giá trị riêng của mình! Quan trọng hơn cả là những gì bạn đóng góp cho cuộc sống để làm cho nó tốt đẹp lên. Và chính những gì bạn cho đi sẽ quyết định giá trị của bạn!

4. Hãy tự tin vào bản thân mình. Những điều người khác nói về bạn không quan trọng bằng những gì bạn tự nói với chính mình. Nếu bạn nghĩ bạn có thể, thì bạn sẽ làm được! Nếu có thất bại, thì chỉ là cách cuộc sống thông báo với bạn rằng con đường này không phù hợp với bạn và bạn nên lựa chọn cho mình một hướng đi khác. Đừng nản lòng!

Hãy biết ơn cuộc sống này, dù thế nào đi nữa.


EmoticonEmoticon